Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin HFIC

Càng minh bạch, doanh nghiệp càng dễ vay vốn lãi suất 0% kích cầu đầu tư

Thứ tư, 24/06/2020 12:05 GMT
Được hỗ trợ lãi suất vay 50% và 100% với tổng mức 100 tỉ đồng/dự án, kéo dài 7 năm nhờ chương trình kích cầu của TP.HCM, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết tận dụng cơ hội.

Tại hội nghị Giải pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại cho các trường học trên địa bàn thành phố và giới thiệu nguồn vốn kích cầu đầu tư của thành phố diễn ra ngày 23-6, ông Nguyễn Quang Thanh (Trưởng phòng Thẩm định dự án Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), trực thuộc UBND TP.HCM) chia sẻ, lũy kế từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã đầu tư 30 doanh nghiệp, tổng giá trị 6.185 tỉ đồng. HFIC cũng cho vay thực hiện 207 dự án phát triển TP.HCM, tổng mức cho vay 38.000 tỉ đồng.

Các vực tiếp cận vốn rất đa dạng, bao gồm dịch vụ, sản xuất, y tế, giáo dục, tài chính, hạ tầng kỹ thuật...

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Thanh nhận định, doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thường có lợi thế tiếp cận nguồn vốn vì minh bạch báo cáo tài chính, thông tin, có thể huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Trái lại, "nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tài chính không minh bạch, trốn thuế, trình bày thông tin không nhất quán nên phải thông qua nhiều kênh để kiểm chứng, tốn gấp đôi thời gian thẩm định so với doanh nghiệp niêm yết", ông Thanh nói.

Do đo, nếu không niêm yết trên sàn giao dịch, ít nhất doanh nghiệp cũng nên có báo cáo tài chính đã qua kiểm toán, kết quả hoạt động kinh doanh.

 

 Ảnh: Ông Nguyễn Quang Thanh (Trưởng phòng Thẩm định dự án HFIC) giới thiệu chương trình kích cầu thông qua đầu tư TP.HCM

Việc này cần thiết vì theo ông Thanh, thực tế có không ít trường hợp muốn vay vốn nhưng lập lờ thông tin. Chẳng hạn, có bên nói mua bằng sáng chế 2 triệu USD, nhưng khi kiểm tra thì người sáng chế nói không phát hành bằng này. Hay có doanh nghiệp "vẽ" giá trị tài sản cao gấp nhiều lần so với thực tế.

"Công nghệ thông tin có tài sản vô hình, khó thẩm định. Đã có trường hợp tổ chức tư nhân lợi dụng điều này để vay vốn, khiến bên cho vay mất trắng 10 tỉ. Dù thành phố khuyến khích, nhưng thẩm định không khéo có khi mất luôn số tiền đó, chẳng hạn, nói vay mua thiết bị sản xuất chip có giá 100.000 USD, nhưng thực tế giá chỉ khoảng 20.000 USD", ông Thanh cho biết thêm.

Ông Thanh chia sẻ, hiện nay nguồn vốn của chương trình kích cầu thông qua đầu tư TP.HCM không thiếu, nên doanh nghiệp cần minh bạch để tận dụng nhanh.

Trong lĩnh vực giáo dục, TP.HCM đang triển khai xây dựng thư viện thông minh. Không chỉ trường công mà ngay cả trường tư cũng được miễn toàn bộ lãi vay không quá 100 tỉ đồng/dự án, trong thời gian 7 năm.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển doanh nghiệp, lãnh đạo TP đang xem xét nâng mức vay hỗ trợ lãi suất lên 200 tỉ đồng, kéo dài tới lên 10 năm.

Tại hội nghị, ông Lê Hoài Nam (phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) chia sẻ, để tận dụng chương trình kích cầu đầu tư của TP.HCM, Sở phối hợp HFIC hỗ trợ các trường hoàn thành hồ sơ thủ tục vay vốn xây dựng thư viện thông minh. Ngoài Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã hoàn thành, TP.HCM chuẩn bị phê duyệt cho 16 đơn vị.

Ông Dương Trí Dũng (trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết mỗi năm TP.HCM bố trí 3.400 tỉ đồng ngân sách ngân sách đầu tư xây mới 1.500 phòng học, và 200 tỉ đồng sửa chữa dịp hè.

Tuy nhiên, việc này chỉ đảm bảo tăng cường cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp theo quy hoạch phục vụ cho con em nhân dân trên địa bàn, với tốc độ gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 40.000-60.000 học sinh.

Vì vậy, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để phát triển cơ sở vật chất nhà trường theo nguồn vốn hiện đại là hết sức cần thiết.

Nguồn: tuoitre.vn




KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN