Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

Tăng trưởng GDP từ sản xuất, dịch vụ chứ không phải từ tăng tín dụng hoặc khai khoáng

Thứ tư, 04/10/2017 08:04 GMT
Chiều tối ngày 3/10, tại Hà Nội, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Tại phiên họp báo, nhấn mạnh vấn đề tăng trưởng GDP có được tới thời điểm này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng khẳng định là nhờ tăng trưởng từ sản xuất, dịch vụ chứ không phải từ tăng tín dụng hoặc khai khoáng. Cụ thể, trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
 
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%. Tình hình sản xuất công nghiệp và xây dựng cải thiện rõ rệt nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Toàn ngành đóng góp 2,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Mặc dù sản lượng dầu thô giảm nhưng máy tính, điện thoại tăng mạnh. Nhà máy Formosa sản xuất đạt 1,5 triệu tấn thép. Chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 7,9%, đã cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2016 (7,1%), đáng chú ý là ngành khai khoáng đã giảm chậm lại và ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng kỷ lục (12,8%).

Khu vực dịch vụ có đà tăng trưởng tốt nhất từ đầu năm, tính chung 9 tháng tăng 7,25%, cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2013 trở lại đây, có đóng góp lớn nhất, 2,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Hoạt động du lịch tuy có chững lại trong tháng 9 do ảnh hưởng của cơn bão số 10 tại các tỉnh miền Trung, nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng vẫn đạt cao, ước trên 9,4 triệu lượt khách, tăng 28,4%, bình quân mỗi tháng đạt trên 1 triệu lượt khách. 
 
Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng mạnh, vượt xa so với mục tiêu cả năm đã đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%, cao hơn nhiều mục tiêu tăng 7% và cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2016 (6,7%). Nhập siêu ở mức thấp, chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
 
Đáng mừng là tăng trưởng GDP cải thiện, nhưng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 9 tháng đầu năm được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu đề ra, tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với bình quân 8 tháng (3,84%). Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng tăng 1,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Các cân đối lớn được bảo đảm. Dự trữ ngoại hối đạt 44 tỷ USD.
  
 Ảnh minh họa
 
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các Bộ ngành, địa phương rất tích cực triển khai cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, như Bộ Công Thương vừa qua tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Nhờ nỗ lực chung này, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đều có bước cải thiện vượt bậc.
 
Vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài tăng mạnh. Tính chung trong 9 tháng năm 2017, vốn FDI đăng ký khoảng 21,32 tỷ USD, tăng 29,7%; vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 64%; giải ngân vốn FDI 9 tháng đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%.
 
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng thông tin trong tháng 9 vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành kiểm tra hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu tại Hải Phòng và kiểm tra Bộ Y tế, Bộ Công Thương về thực hiện các nhiệm vụ cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành.  Thực tiễn kiểm tra cho thấy việc kiểm tra chuyên ngành đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, gây tốn kém thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Tính chung mỗi năm doanh nghiệp mất tới 30 triệu ngày công và hơn 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành.
 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổ công tác tiếp tục thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ, đẩy mạnh công khai, minh bạch với dư luận, người dân, doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc, vừa qua có hàng loạt vụ án lớn như PVC, Ocean Bank, Phạm Công Danh… nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, vướng vào vòng lao lý. Với vai trò là Người phát ngôn Chính phủ, quan điểm của Chính phủ như thế nào sau khi nhiều cán bộ cấp cao, có năng lực vướng vào những hệ lụy?
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chia sẻ: Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị chúng ta đều quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là chúng ta thực hiện nghiêm, chấp hành nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Như vậy, chúng ta thấy quyết tâm cao nhất của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Xử lý các vụ việc, ngay cả vấn đề về sử dụng bằng cấp, sử dụng ô tô, đặc biệt liên quan đến các vụ án nghiêm trọng xảy ra tại các ngân hàng, tập đoàn kinh tế nhà nước, đều được xem xét điều tra kết luận rất kỹ của các cơ quan điều tra, các cơ quan thanh tra Nhà nước.
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh: Tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và quyết tâm của Chính phủ là xem xét thanh tra, kiểm tra, kết luận rất minh bạch công khai, và xử lý đúng người, đúng tội và không có vùng cấm. Không phải riêng những vụ án nghiêm trọng mà ngay cả những vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, báo chí phản ánh, có thể ở các vùng sâu xa hẻo lánh, đều được xử lý, như vụ quán cà phê Xin Chào, vụ đánh nhân viên tại sân bay, hay vấn đề cấp giấy chứng tử, vấn đề tăng thu học phí của các trường… đều được xem xét rất kỹ, và xử lý rất nghiêm theo quy định của pháp luật, công khai, minh bạch.
 
Đây là bài học mà các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng thấy rằng công tác quản lý, đánh giá và sử dụng cán bộ trong một thời điểm nào đấy có thể chưa quản lý hết được, chưa đánh giá kỹ được. Chúng ta đang chuyển mạnh sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong điều hành ở chỗ này chỗ khác, nếu phát hiện vấn đề, vụ việc thì phải xác minh, kết luận trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm, ngay cả các cán bộ đã được nghỉ hưu vẫn phải xem xét trách nhiệm, kỷ luật. Tất cả các nội dung này đều công bố công khai.
 
"Như vậy, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, với Nhà nước sẽ rất tốt, tin tưởng tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Về vụ việc cụ thể, tôi không nêu, vì các nhà báo biết hết rồi. Tôi chỉ nói quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, và Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục giao các cơ quan điều tra, thanh tra Nhà nước tiếp tục xử lý các vụ việc, các dự án thua lỗ kéo dài, đầu tư kém hiệu quả, để công khai cho công luận" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng bày tỏ./.
Nguồn: http://dangcongsan.vn 

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN