Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin HFIC

PPP góp phần giải bài toán vốn phát triển hạ tầng của TPHCM

Thứ hai, 02/11/2015 14:47 GMT
Tổng nhu cầu về nguồn vốn đầu tư phát triển của TPHCM đến năm 2020 dự kiến khoảng 200.000 tỷ đồng, trong khi ngân sách TP hàng năm chưa cân đối được. Vì vậy, TP phải huy động thêm các nguồn khác, trong đó hình thức đối tác công tư (PPP) được xem là một trong những giải pháp hiệu quả. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước (HFIC) xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Ưu điểm của hình thức PPP là gì, thưa ông?

Ông Phạm Phú Quốc: Nguồn vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng TP nói chung đến từ 3 nguồn chủ yếu: nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; nguồn tín dụng trung, dài hạn từ các tổ chức tài chính; nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước trực tiếp đầu tư vào nền kinh tế. Trong đó, việc phát huy nguồn vốn thứ ba từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, còn gọi là xã hội hóa nguồn vốn đầu tư theo hình thức hợp tác giữa khu vực tư nhân và nhà nước, có thể coi là một trong những giải pháp hiệu quả cho bài toán đầu tư hạ tầng của TP.

PPP có các ưu điểm nổi bật: giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong đầu tư kết cấu hạ tầng cũng như dịch vụ công; tiến độ dự án được bảo đảm tốt hơn (nhà nước chỉ thanh toán cho nhà đầu tư khi công trình hoàn thành và trả dần trong giới hạn cho phép của ngân sách); có sự gắn kết chặt chẽ giữa thiết kế, thi công với trách nhiệm vận hành, quản lý công trình trong suốt vòng đời dự án (nhà đầu tư phải tính toán để bảo đảm hiệu quả tối ưu về tài chính cũng như về kỹ thuật, chất lượng công trình); cơ chế phân chia trách nhiệm quản lý rủi ro hợp lý, nâng cao hiệu quả dự án (bên nào có khả năng quản lý rủi ro nào tốt hơn thì sẽ được giao quản lý rủi ro đó); phát huy được thế mạnh của nhà đầu tư tư nhân không những về nguồn vốn mà còn trong chuyển giao công nghệ, phát minh và kỹ năng quản trị; bên cạnh đó, nhà nước sẽ giảm được biên chế nhân sự cho các dịch vụ công, tăng thu ngân sách từ nguồn thuế các doanh nghiệp đầu tư PPP.
 

 

Đường Phạm Văn Đồng TP.HCM (Nguồn: SGGP Online)

 

PV: Là địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển các dự án PPP, đồng thời tập trung nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế khi đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội, theo ông, trước mắt TPHCM cần làm gì để thu hút các nhà đầu tư?

Ông Phạm Phú Quốc: Việc triển khai mô hình PPP mang tính cấp thiết tại TPHCM để có thể đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, do vậy, theo tôi từ định hướng chỉ đạo mạnh mẽ, xuyên suốt của lãnh đạo TP, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ở từng cấp, từng ngành. Có thể ví dụ như: rà soát các dự án dự kiến ban đầu đầu tư từ nguồn vốn ngân sách để chuyển đổi, kêu gọi triển khai đầu tư theo hình thức PPP; xây dựng, quảng bá hình ảnh thị trường PPP tại TPHCM thông qua việc lựa chọn, triển khai một vài dự án tiên phong PPP; hoàn thiện khuôn khổ thể chế về PPP (khung pháp lý chung, thể chế quản lý nhà nước…); ban hành các chính sách khuyến khích ưu đãi về đầu tư PPP (hỗ trợ lãi suất, thuế…). Ngoài ra, cần bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP là đòn bẩy, công cụ xúc tác nhằm huy động vốn đầu tư, kinh nghiệm, năng lực của khu vực tư nhân tham gia thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật tại TP.

PV: HFIC sẽ tham gia vào các dự án PPP như thế nào?

Ông Phạm Phú Quốc: Phát huy vai trò của một định chế tài chính, đầu tư hữu hiệu của TP, HFIC có thể làm cầu nối giữa các yếu tố công và tư, giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý với nhà đầu tư và các tổ chức tài chính trong mô hình PPP. HFIC sẽ tham gia dưới hình thức đầu tư “vốn mồi” vào doanh nghiệp dự án theo hình thức PPP, liên danh với các đối tác nhằm thu hút các nguồn vốn xã hội hướng vào các dự án hạ tầng cấp thiết. Cụ thể hơn, thông qua sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành mà đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư, HFIC sẵn sàng tham gia triển khai PPP ngay từ giai đoạn đề xuất dự án với tư cách là nhà đầu tư trực tiếp hoặc tài trợ vốn cho dự án PPP trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng và các chương trình mục tiêu trọng điểm của TP.

PV: Xin cảm ơn ông !

Theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì khái niệm “Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)” là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
 
Để tạo cơ chế một cửa, nâng cao hiệu quả kêu gọi triển khai thực hiện các dự án PPP, ở Trung ương đầu mối quản lý hoạt động PPP là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Văn phòng PPP), ở TPHCM là Sở Kế hoạch và Đầu tư (Phòng Hợp tác công tư).


Nguồn: SGGP Online


KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN