Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

"Có thể đạt vượt mức tăng trưởng GDP 6,2%"

Thứ năm, 21/05/2015 15:18 GMT
Đó là nhận định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sáng 20-5. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015. Nhiều chỉ tiêu năm 2014 đạt tốt hơn

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2014, chúng ta đã hoàn thành tốt hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 01 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch (là tỷ lệ lao động qua đào tạo). So với số đã báo cáo Quốc hội, có 10 chỉ tiêu đạt tốt hơn và 4 chỉ tiêu không thay đổi .

Tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp, xuất siêu 2,1 tỷ USD. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, riêng các huyện nghèo giảm 5,61%. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả . Cải cách tư pháp được tích cực triển khai. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh có bước cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên...

Kết quả trên cho thấy những nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014 là phù hợp. "Chúng ta đã đạt được mục tiêu tổng quát; nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt tốt hơn so với số đã báo cáo; hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết Quốc hội đã đề ra; khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo nhận định của Chính phủ, đạt được kết quả này trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình phức tạp trên Biển Đông, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Tăng trưởng quý cao nhất 5 năm qua

Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tăng trưởng GDP Quý I/2015 ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua (cùng kỳ 2011: 5,9%; 2012: 4,75%; 2013: 4,76%; 2014: 5,06%), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,14%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 8,35%; khu vực dịch vụ ước tăng 5,82%. Trong Quý I-2015, công nghiệp - xây dựng là khu vực duy nhất có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, là khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung.

Về thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,04% so với tháng 12/2014. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4 tăng 0,99% và bình quân 4 tháng đầu năm tăng 0,8%.

Về thu - chi ngân sách nhà nước, theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN thực hiện 4 tháng đầu năm ước đạt 314,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2014. Tong đó: Thu nội địa ước đạt 238,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,4% dự toán, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2014 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 14,5%), đạt khá cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 23 nghìn tỷ đồng, bằng 24,7%, giảm 32,6% so với cùng kỳ năm 2014; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 51,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29,4% dự toán, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2014.

"Mặc dù thu từ dầu thô đạt thấp (giảm 32,6% so với cùng kỳ do giá dầu giảm mạnh, giá dầu thanh toán bình quân 4 tháng đạt 58,3 USD/thùng, giảm 41,7 USD/thùng so với giá dự toán) nhưng tiến độ thu NSNN 4 tháng đầu năm v đạt khá", Chính phủ nhận định.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

trình bày Báo cáo trước Quốc hội
 
Tập trung 11 nhóm giải pháp từ nay đến cuối năm

Chính phủ cho rằng: Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, do vậy nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2015 là rất nặng nề, có ý nghĩa rất quan trọng đến việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015 và tạo cơ sở cho việc phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn 2016-2020.

Để đạt được các mục tiêu đó, Chính phủ, các cấp, các ngành cần tiếp tục quyết tâm và triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp, chính sách được nêu trong các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện 11 giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN. Trong đó, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước khỏi những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Giảm tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ chi phối để cổ phần hóa thực sự phát huy hiệu quả, đổi mới quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để thực hiện các đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong năm nay, phải cổ phần hóa 289 DNNN để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 DNNN trong giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả .

Thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường tiền tệ quốc tế, nhất là giá trị đồng USD để có phản ứng linh hoạt trong mọi tình huống, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Đồng thời, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Tổ chức thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế. Điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ theo đúng dự toán được giao. Không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa có nguồn bảo đảm. Quản lý chặt chẽ nợ công, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vốn vay, bảo đảm nợ công trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thứ ba, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững.

Thứ tư, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước. Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu. Mở rộng thị trường, khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng để xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao. Tập trung quyết liệt tháo gỡ rào cản về thị trường; chủ động, tích cực tham gia đàm phán các hiệp định tự do thương mại (FTA) theo hướng thúc đẩy mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nước ta.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Thứ sáu, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân

Thứ bảy, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ tám, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng.

Thứ chín, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội

Thứ mười, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế

Mười một, tăng cường công tác thông tin truyền thông.

Theo nhận định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng những tháng còn lại của năm 2015 dự báo tình hình diễn biến không thay đổi lớn so với dự báo đầu năm. Hầu hết các ý kiến tán thành báo cáo Chính phủ và cho rằng có nhiều khả năng sẽ thực hiện vượt mức tăng trưởng GDP 6,2% và thực hiện được các chỉ tiêu do Nghị quyết Quốc hội thông qua năm 2015.

Về tái cơ cấu kinh tế, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ phải hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý II năm 2015. Đồng thời, giảm tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ chi phối; tăng cường giám sát tài chính, giám sát hoạt động và đổi mới đội ngũ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Nghiên cứu, xem xét để trình Quốc hội ban hành Luật hoặc Nghị quyết riêng về cổ phần hóa DNNN để bảo đảm hiệu quả của quá trình cổ phần hóa, tăng cường giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

 

Nguồn: www.mof.gov.vn


KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN