Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

Kiên định để đạt mục tiêu tăng trưởng

Thứ năm, 14/05/2015 15:34 GMT
Nhận định tình hình phát triển kinh tế- xã hội từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ đã đề ra 5 giải pháp chủ yếu để tiếp tục tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm. Trong đó, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính…
13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra trong năm 2014
 
Về tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, báo cáo của Chính phủ dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 cho biết: Trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao có 10 chỉ tiêu đạt cao hon so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội, không có chỉ tiêu nào thấp hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. So với kế hoạch năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Chỉ có 01 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là Tỷ lệ lao động qua đào tạo.
 
Theo nhận định của Chính phủ, năm 2014, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức kế hoạch. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. Tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư; dự trữ ngoại tệ nhà nước tăng mạnh và đạt mức cao nhất so với trước đây. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, là năm thứ ba liên tục có xuất siêu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng cao. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải ngân vốn hỗ trợ phát triến chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi đạt khá. Niềm tin vào nền kinh tế của các doanh nghiệp được phục hồi. Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn cho phép.
 
Đáng lưu ý, tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,98%, cao nhất trong 3 năm qua (2012-2014) và vượt mục tiêu đề ra. Sản xuất công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao. Nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, năng suất, sức cạnh tranh, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện….
 
Tổng thu NSNN năm 2014 thực hiện đạt 863,52 nghìn tỷ đồng, tăng 80,82 nghìn tỷ đồng (10,3%) so dự toán (tăng 17,12 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội). Tổng chi NSNN năm 2014 đạt 1.087,52 nghìn tỷ đồng, tăng 8% (80,82 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 17,12 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội. Bội chi NSNN năm 2014 giữ ở mức Quốc hội quyết định 224 nghìn tỷ đồng, bằng 5,69% GDP thực hiện.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Chính phủ nhận định, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả chưa cải thiện nhiều. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ và khả năng cạnh tranh. Chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chưa thật rõ nét, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao…
 

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 
 
Còn nhiều thách thức trong năm 2015
 
Tín hiệu đáng mừng là tăng trưởng GDP Quý 1/2015 ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua (cùng kỳ 2011: 5,9%; 2012: 4,75%; 2013: 4,76%; 2014: 5,06%), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,14% (2014: 2,68%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 8,35% (2014: 4,42%); khu vực dịch vụ ước tăng 5,82% (2014: 5,9%).
 
Trong Quý 1/2015, công nghiệp - xây dựng là khu vực duy nhất có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Đây cũng là khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung.
 
Với đà phục hồi tăng trưởng trong Quý 1/2015, theo nhận định của Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển nền kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, những khó khăn, đối với phát triến kinh tế còn rất lớn; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp, sẽ là thách thức rất lớn khi thành lập cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay.
 
“Nhiệm vụ đặt ra cho 9 tháng của năm 2015 là rất nặng nề, có ý nghĩa rất quan trọng đến việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015 và tạo cơ sở cho việc phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn 2016-2020”, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
 
Để đạt được các mục tiêu đó, Chính phủ cho rằng, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, nhất là triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 ở mức 6,2% hoặc cao hơn.
 
Tập trung thực hiện 5 giải pháp lớn:
 
5 giải pháp chủ yếu được Chính phủ đề nghị tiếp tục tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm:
 
Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015-2016. Các cấp, các ngành, căn cứ nhiệm vụ, chức năng của mình tập trung chỉ đạo rà soát giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm...
 
Chính phủ cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước khỏi những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần năm giữ. Giảm tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ chi phối để cổ phần hóa thực sự phát huy hiệu quả, đổi mới quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để thực hiện hoàn các đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước đã được các cấp phê duyệt. Trong năm nay, phải cổ phần hóa 289 DNNN để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 DNNN trong giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả
 
Thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường tiền tệ quốc tế, nhất là giá trị đồng USD để có phản ứng linh hoạt trong mọi tình huống trong việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lợi thế tốt nhất cho kinh tế đất nước…
 
Đồng thời, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Tổ chức thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế. Điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ theo đúng dự toán được giao. Không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa có nguồn bảo đảm. Quản lý chặt chẽ nợ công; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vốn vay; bảo đảm nợ công trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội.
 
Thứ ba, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, của nền kinh tế.Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm anh ninh lương thực và phát triến bền vững.
 
Thứ tư, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước. Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu. Mở rộng thị trường, khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng để xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao. Tập trung quyết liệt tháo gỡ rào cản về thị trường; chủ động, tích cực tham gia đàm phán các hiệp định tự do thương mại (FTA) theo hướng thúc đẩy mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nước ta…
 
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Nguồn: www.mof.gov.vn


KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN