Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

Dự án giao thông phải hấp dẫn đầu tư

Thứ hai, 15/12/2014 15:58 GMT
Các dự án hạ tầng giao thông phải hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân, vì các dự án này đòi hỏi quy mô vốn lớn, thời gian thu hồi dài, rủi ro cao.
Đây là ý kiến từ ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” được tổ chức sáng 12/12 tại Hà Nội.
 
PPP cần có hành lang pháp lý mới
 
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (PPP), tính riêng năm 2014, đến thời điểm này, ngành giao thông đã huy động được gần 43.000 tỷ đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án giao thông.
 
Đây là nguồn vốn lớn, song ông Huy cho rằng, thực tế, việc huy động vốn đầu tư vào ngành giao thông vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vốn xã hội hóa tham gia đầu tư chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đường bộ, các lĩnh vực khác chưa có hoặc rất hạn chế, trừ việc doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa.
 
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tasco cho rằng, Bộ GTVT mong muốn dự án có giá trị đầu tư lớn, thời gian thu phí trên dưới 20 năm, trong khi ngân hàng chỉ chấp thuận các dự án có thời gian thu phí dưới 15 năm.
 
Lý giải rõ hơn, ông Dũng đưa ra dẫn chứng, một số dự án chỉ ở mức độ 2.000-3.000 tỷ đồng, mức thu trong 20 năm nên trong 7-10 năm đầu mức thu không đủ để trả lãi vay, chứ chưa nói đến việc thu đủ vốn gốc. Tuy nhiên, Ngân hàng lại yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh chủ sở hữu nguồn vốn, dẫn đến các nhà đầu tư phải bỏ từ 30-50 % vốn trong khi quy định chỉ yêu cầu nhà đầu tư phải bỏ từ 10-15%. “Vì thế, nhà đầu tư bất lực, không có vốn để thực hiện. Do đó, Nhà nước cần có chính sách với các ngân hàng thương mại như thế nào để giải quyết vấn đề này”, ông Dũng nói.
 
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, trong thời gian qua, nhiều quy định pháp lý liên quan đến chính sách xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, quản lý đầu tư xây dựng theo các hình thức đầu tư khác nhau nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã được ban hành đặc biệt là theo mô hình BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) và hợp tác công-tư (PPP).
 
“Chính phủ dự kiến ban hành một nghị định PPP mới về lĩnh vực này trong tháng 12/2014 hoặc đầu tháng 1/2015. Hy vọng đây sẽ là một hành lang pháp lý mới tạo cơ sở để chúng ta tiếp tục hợp tác trong các dự án cụ thể thời gian tới”, Thứ trưởng nói.

 

                                                      Ảnh minh họa

 


Mô hình PPP riêng của Việt Nam
 
Theo ông Laurence Carter, Giám đốc cấp cao PPP của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2013, nhiều quốc gia xây dựng thị trường PPP và ban hành luật PPP nhưng rất khó để triển khai vì dự án PPP có nguồn tài chính từ ngân hàng mà ngân hàng luôn rất thận trọng, nhất là đối với các dự án giao thông bởi những dự báo không chính xác về khả năng chi trả của người dân/chính phủ, chính sách không rõ ràng đối với các tuyến thay thế, miễn phí... và các rủi ro từ nguồn tài trợ.
 
Còn ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài Chính) cho biết, hiện nay, các dự án BOT giao thông chủ yếu trông chờ vào nguồn vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại trong nước (khoảng 85% tổng nhu cầu vốn đầu tư cho dự án). Với vòng đời dự án BOT khoảng 20 năm thì việc sử dụng vốn vay thương mại dễ phát sinh rủi ro cho cả ngân hàng và nhà đầu tư vay vốn.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng PPP không phải là “cây đũa thần” song là một cơ chế không thể không cần đối với Việt Nam. Vì thế, một mô hình PPP riêng của Việt Nam là cần thiết.
 
“Vấn đề cốt yếu nhất là bản thân các dự án hạ tầng giao thông phải hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân bởi các dự án này đều đòi hỏi quy mô vốn lớn, thời gian thu hồi dài, rủi ro cao. Các nhà đầu tư tư nhân luôn hướng tới lợi nhuận thu được. Nguyên tắc này một khi chưa được thỏa mãn thì tất yếu dòng vốn sẽ không chảy tới nơi dù được Chính phủ khuyến khích”, ông Tuấn Anh khẳng định.
 
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, việc đầu tư hạ tầng được Đảng, Nhà nước coi là điểm quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước nên cần phải thúc đẩy đầu tư hơn nữa.
 
 “Việt Nam sẽ tiếp thu tinh hoa của thế giới và áp dụng phù hợp. Đề xuất việc thu phí được doanh nghiệp đưa ra rất hay. Nếu dự án BOT vượt tiến độ cho thu phí ngay. Nếu chậm thì trừ vào thời gian hợp đồng. Đấy là những qui định rất tích cực. Để làm sao BOT, PPP có thể kiểm soát, nâng cao việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo sự công khai minh bạch”, Bộ trưởng khẳng định.

Nguồn: www.baodientuchinhphu.vn


KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN