Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Chương Trình Kích Cầu Đầu Tư

Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng chương trình kích cầu qua đầu tư

Thứ tư, 16/10/2013 20:23 GMT
Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) vừa ban hành quyết định mở rộng quy mô và phạm vi chương trình kích cầu qua đầu tư của thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nhằm tăng cường khuyến khích việc đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu và các ngành nghề thành phố ưu tiên phát triển.

Ngày 23/09/2013, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 38/2013/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND về thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu của TP.HCM. Theo quyết định mới này, tổng vốn vay của các dự án được ngân sách hỗ trợ lãi vay thông qua Chương trình này nâng lên thành 12.000 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ đồng so với Quyết định 33/2011/QĐ-UBND. Ngoài ra, Quyết định 38/2013/QĐ-UBND cũng mở rộng, bổ sung thêm một số ngành nghề được hỗ trợ lãi vay.

Chương trình kích cầu thông qua đầu tư đã được TP.HCM triển khai từ năm 2000 nhằm khuyến khích xã hội hóa đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Chương trình hỗ trợ lãi vay cho các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực như: đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao chuyên sâu, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất sản phẩm điện tử, robot công nghiệp, thiết bị thông tin, viễn thông và các loại hệ thống thiết bị tự động hóa, sản xuất các loại máy móc, thiết bị thế hệ mới, xây dựng ký túc xá cho sinh viên, xây dựng nhà ở cho công nhân, hệ thống xử lý nước thải,…
Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng, giảm bớt chi phí vay vốn, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường đồng thời góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tùy lĩnh vực khuyến khích, mỗi dự án thành phố có thể hỗ trợ từ 50% đến toàn bộ lãi vay, thời gian hỗ trợ không quá 7 năm, tổng mức vốn vay được hỗ trợ lãi vay không quá 100 tỷ đồng/dự án.

 Trường Đại học Tôn Đức Thắng, một trong những dự án sử dụng nguồn vốn kích cầu

Bổ sung nhiều ngành nghề được hỗ trợ lãi vay
Cụ thể Quyết định 38/2013/QĐ-UBND bổ sung thêm các dự án đầu tư xây dựng trung tâm hỏa táng trên địa bàn thành phố vào danh sách các dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay. Đồng thời, Quyết định này ban hành các phụ lục cụ thể hóa các phân ngành trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hộ trợ phục vụ các ngành công nghiệp điện tử - tin học, công nghiệp công nghệ cao của thành phố được hưởng hỗ trợ toàn bộ lãi vay.
Đối với các dự án thuộc diện được ngân sách thành phố hỗ trợ 50% lãi vay cũng được bổ sung các ngành nghề như: các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp dệt – may, da – giày của thành phố; đầu tư sản xuất đèn LED; đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ sản xuất các mặt hàng thiết yếu theo Chương trình bình ổn giá cả thị trường; các dự án cải tạo và nâng cấp lưới điện hiện hữu, ngầm hóa hệ thống mạng lưới dây dẫn thông tin truyền thông trên địa bàn trung tâm thành phố… 
Hơn nữa, Quyết định 38/2013/QĐ-UBND cũng quy định chi tiết liên quan đến chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất hỗ trợ. Theo đó, “phần chênh lệch lãi vay do chênh lệch giữa mức lãi suất cho vay của các tố chức tín dụng hoặc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) với mức lãi suất hỗ trợ ngân sách thành phố sẽ do chủ đầu tư tự cân đối.”

HFIC đã tài trợ cho 170 dự án thuộc chương trình kích cầu
Thực hiện vai trò huy động vốn và cho vay các dự án thuộc chương trình kích cầu, Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TP.HCM trước đây và HFIC hiện nay đã hỗ trợ tư vấn, giải ngân hơn 170 dự án thuộc chương trình này.
Qua đó, HFIC đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc xã hội hóa đầu tư thông qua việc cung cấp các gói tín dụng phù hợp cho các doanh nghiệp. Những sửa đổi và bổ sung của Quyết định 38/2013/QĐ-UBND sẽ tạo điều kiện cho HFIC mở rộng mạng lưới tín dụng, thu hút thêm các khách hàng với các dự án tiềm năng (như các dự án ngầm hóa lưới điện của thành phố, các dự án trung tâm hỏa táng hay các dự án về công nghiệp hỗ trợ).
Đồng thời, việc quy định rõ việc xử lý phần chênh lệch về lãi vay tạo cơ chế rõ ràng cho các chủ đầu tư dự án, các đơn vị tín dụng tham gia chương trình kích cầu; giải quyết được lúng túng của một số chủ đầu tư vay vốn của HFIC trong quá trình thực tế tham gia chương trình này.
 

Hoàng Huy

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN