In Trang

TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng xanh 10% trong năm 2025

Nếu không đi đầu về “xanh", sẽ bỏ lỡ làn sóng đầu tư toàn cầu

Trong chiến lược phát triển bền vững, TP.HCM đang đặt trọng tâm vào hai trụ cột xuyên suốt là "xanh" và "số". Theo TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), đồng thời là Tổ trưởng Tổ công tác tham mưu về chuyển đổi xanh, tư duy "xanh" của Thành phố không còn là khẩu hiệu, mà đã trở thành mệnh lệnh hành động lan tỏa từ cấp lãnh đạo cho đến các sở, ngành, giới học thuật, báo chí và các tổ chức quốc tế. Từ những buổi tọa đàm, hội thảo đến các đề xuất chính sách cụ thể, khái niệm “xanh” đã dần bén rễ vào nhận thức và được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực.

Để đẩy mạnh hơn nữa quá trình này, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác tham mưu chiến lược chuyển đổi xanh với nhiều nhiệm vụ quan trọng. Tổ công tác không chỉ xây dựng lộ trình để Thành phố hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 mà còn đóng vai trò tham mưu về các kế hoạch kinh tế xanh, triển khai các dự án chuyển đổi xanh, đặc biệt trong bối cảnh liên kết vùng với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Song song với đó, Thành phố cũng đặt mục tiêu giảm 10% phát thải khí nhà kính vào năm 2030, tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Một số dự án trọng điểm đang được triển khai gồm chuyển đổi phương tiện giao thông từ nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, phát triển các mô hình tăng trưởng xanh tại Cần Giờ, khu vực có tiềm năng lớn về tài nguyên sinh thái.

Tổ công tác còn được giao nhiệm vụ thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, đồng thời truyền thông chính sách, nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các hoạt động tập huấn, hội thảo, chương trình đào tạo chuyên sâu. Việc theo dõi, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất tiến độ các chương trình xanh cũng là một trong những trọng trách của tổ công tác này.

TS. Huy Vũ nhấn mạnh, để quá trình chuyển đổi thực sự "bén rễ", TP.HCM cần phát huy các nguồn lực sẵn có như tiềm năng năng lượng tái tạo, sự phát triển của thị trường xe điện, hành vi tiêu dùng xanh và đặc biệt là ý thức môi trường ngày càng rõ nét của cư dân đô thị. Ông cho rằng nếu Thành phố không tiên phong trong thử nghiệm các mô hình phát triển xanh, sẽ khó thu hút được những nguồn lực lớn từ quốc tế, nơi mà xu thế phát triển bền vững đang là ưu tiên hàng đầu.
  
 Ảnh: TP. Hồ Chí Minh đang từng bước triển khai các dự án trọng điểm theo tiêu chí tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10% trong năm 2025
Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội cũng đã mở đường cho TP.HCM với hàng loạt chính sách thí điểm mang tính đột phá, trong đó có các nội dung then chốt như phát triển điện mặt trời áp mái, kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực năng lượng sạch và thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp xanh.

Sáu nhóm giải pháp định hình mô hình kinh tế xanh

TP.HCM đang bước vào một giai đoạn phát triển chiến lược, với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, công nghệ, khoa học và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong định hướng đó, phát triển kinh tế xanh được Thành phố xác định là trụ cột trọng tâm, đóng vai trò then chốt trong quá trình hoạch định chính sách và xây dựng mô hình phát triển bền vững.

Ngay từ năm 2021, Thành phố đã phê duyệt Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030 (Quyết định số 1055/QĐ-UBND) - một trong 13 nội dung thuộc Chương trình đột phá phát triển hạ tầng. Mục tiêu tổng quát của chương trình là kế thừa kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn 2011-2020, tiếp tục kiểm soát và ngăn chặn xu hướng tái ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường đô thị, đồng thời nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Đến cuối năm 2022, TP.HCM tiếp tục khẳng định cam kết phát triển xanh thông qua Quyết định số 4589/QĐ-UBND, phê duyệt kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trên địa bàn giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch nhấn mạnh việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tích hợp các tiêu chí bền vững vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, TP.HCM hướng tới một mô hình tăng trưởng không chỉ bền vững mà còn toàn diện, đảm bảo tạo việc làm chất lượng, nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thành phố xác định sáu nhóm chính sách trọng tâm. Trước hết là nhóm giải pháp về nguồn lực, chú trọng phát triển tài chính xanh và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh. Tiếp đến là nhóm kết nối và hợp tác, bao gồm việc xây dựng hệ thống dữ liệu, thu hút đầu tư và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường và tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng tập trung vào khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên như năng lượng tái tạo, nước sạch và vật liệu tuần hoàn. Về mặt hành vi xã hội, các giải pháp hướng tới thay đổi thói quen tiêu dùng, phát triển phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Trong lĩnh vực xây dựng, Thành phố thúc đẩy các tiêu chuẩn công trình xanh, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, thí điểm các chính sách điều chỉnh biểu giá điện. Cuối cùng, nhóm giải pháp kinh tế trọng điểm bao gồm sản xuất xanh, công nghệ cao, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển nông nghiệp xanh, du lịch sinh thái và bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn như khu vực Cần Giờ.

Một dấu mốc quan trọng sẽ diễn ra từ ngày 1/7/2025, khi ba “cực” phát triển lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu được hợp nhất, hình thành một thực thể hành chính - kinh tế mới với quy mô chưa từng có. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS), tổng GDP của khu vực sau sáp nhập sẽ đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tương đương gần 25% tổng sản phẩm quốc nội năm 2024 của cả nước. Thu ngân sách cũng tăng mạnh, chiếm gần 1/3 ngân sách quốc gia với khoảng 682.000 tỷ đồng.

Trước cơ hội mang tính đột phá này, giới chuyên gia cho rằng TP.HCM cần xây dựng một lộ trình rõ ràng cùng các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế. Cụ thể là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, đồng thời từng bước thay thế các ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng bằng mô hình công nghiệp xanh, ít phát thải carbon. Đây không chỉ là điều kiện cần cho sự phát triển bền vững, mà còn là chìa khóa để TP.HCM thu hút được các nguồn lực quốc tế trong bối cảnh xu thế xanh hóa đang trở thành tiêu chuẩn toàn cầu.
 Nguồn: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/

,