Xét trên giác độ quản lý nhà nước, M&A được xem là một giải pháp hữu hiệu và kinh tế nhất đối với xã hội, nhằm giảm thiểu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tận dụng tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém.
Ủy ban giám sát ngân hàng Basel cũng ghi nhận M&A là một kỹ thuật xử lý ngân hàng yếu kém rất phổ biến khi một ngân hàng không thể tự khắc phục được những yếu kém của mình. Giải pháp M&A có một số ưu điểm: Thứ nhất, duy trì được giá trị các tài sản của ngân hàng, giảm chi phí cho Chính phủ và Cơ quan bảo hiểm tiền gửi khi phải xử lý các ngân hàng này. Thứ hai, giảm thiểu tác động tiêu cực của ngân hàng yếu kém đối với thị trường bởi không làm gián đoạn việc cung ứng dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng yếu kém. Thứ ba, toàn bộ tài sản được chuyển nhượng trong thương vụ M&A nên quyền lợi của người gửi tiền và các chủ nợ vẫn được đảm bảo.
Xét về phương diện kinh doanh, M&A là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cấu trúc các định chế tài chính thông qua việc tăng quy mô hoạt động, mạng lưới, vốn, cơ sở khách hàng, kết hợp các lợi thế kinh doanh của các tổ chức tham gia M&A nhằm tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho cổ đông, ngân hàng, khách hàng và nền kinh tế.
 Ảnh minh họa
|
|
Trên thế giới, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp là một xu hướng đã và đang phổ biến trên thế giới. Lịch sử đã ghi nhận 6 làn sóng sáp nhập, hợp nhất, mà chủ yếu là ở Mỹ và một số nước Châu Âu. Các thương vụ sáp nhập, hợp nhất cũng diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tại Mỹ, từ 2008 đến nay, đã có trên 300 ngân hàng tham gia sáp nhập, hợp nhất. Thực tiễn đã chứng minh việc sáp nhập, hợp nhất là một hoạt động bình thường trong chiến lược phát triển của mỗi định chế tài chính nói riêng và toàn hệ thống nói chung để hình thành những định chế hoặc những tổ hợp tài chính lớn hơn, mạnh hơn thông qua việc tăng cường hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh nhờ gia tăng thị phần hoạt động.
Trong 10 năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến nhiều thương vụ sáp nhập, hợp nhất “đình đám”, trong đó phải kể đến thương vụ sáp nhập Ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan) và Barclays PLC (Anh) để hình thành nên một tập đoàn ngân hàng hàng đầu thế giới; Bank of America trở thành ngân hàng có lượng vốn hóa lớn nhất thị trường Mỹ sau khi mua lại chi nhánh ngân hàng ABN Amro, tập đoàn ngân hàng tài chính Lasalle và thẻ tín dụng MBNA; Ngân hàng Wells-Fargo trở thành ngân hàng lớn thứ 3 ở Mỹ sau khi mua lại ngân hàng Wachovia; Commerzbank trở thành ngân hàng lớn thứ hai tại Đức sau khi mua lại ngân hàng Dresdner.
Ở Việt Nam những năm gần đây, hoạt động M&A diễn ra khá sôi động, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Theo quy định hiện hành, M&A các TCTD là một trong những giải pháp tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích các TCTD triển khai thực hiện. Về mặt lý luận và thực tiễn cho thấy, việc tái cơ cấu các NHTM thông qua hình thức M&A có nhiều lợi thế so với các biện pháp khác như: Tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn nhân lực; hệ thống ngân hàng sẽ giảm bớt được số lượng các NHTM cổ phần yếu kém... Tuy nhiên, cần phải xác định rõ rằng, M&A chỉ là bước đầu của quá trình tái cơ cấu các ngân hàng. Sau M&A, các NHTM phải triển khai một loạt các biện pháp thích hợp với những lộ trình cụ thể để tiếp tục cơ cấu toàn diện trên tất cả các mặt (tài chính, hoạt động, quản trị), đảm bảo sau M&A hoạt động của các ngân hàng này được an toàn, ổn định, hiệu quả, góp phần lành mạnh hóa hệ thống TCTD Việt Nam.
Chính vì vậy, NHNN yêu cầu các ngân hàng thực hiện M&A phải xây dựng phương án sáp nhập, hợp nhất, trong đó tập trung vào các biện pháp củng cố, chấn chỉnh sau M&A (nâng cao năng lực bộ máy quản trị, điều hành, đặc biệt là đội ngũ nhân sự cấp cao; cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và kiểm toán nội bộ; lành mạnh hóa tài chính, mà trọng tâm là xử lý nợ xấu và tăng vốn; cơ cấu lại hoạt động, tập trung hoạt động kinh doanh thế mạnh, xây dựng chiến lược kinh doanh mới, chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, tăng nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng…)
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn hiện nay, cùng với quyết tâm tái cơ cấu hệ thống các TCTD của Chính phủ, lúc này được xem là cơ hội cho hoạt động M&A của các ngân hàng, giúp các ngân hàng yếu kém xử lý được khó khăn nội tại, đồng thời tạo điều kiện để các TCTD lành mạnh tăng quy mô và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cho đến nay, tất cả các phương án M&A của các TCTD tại Việt Nam đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Sau khi M&A, các ngân hàng đã và đang tích cực triển khai các giải pháp tái cơ cấu toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát của NHNN. Các ngân hàng yếu kém được tái cơ cấu theo các phương án M&A được phê duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định và kết quả kinh doanh khả quan hơn so với thời điểm trước M&A. Các tỷ lệ an toàn hoạt động, khả năng chi trả được cải thiện, về cơ bản đảm bảo quy định của NHNN; huy động vốn từ dân cư tăng khá, nợ xấu đã tích cực được xử lý và thu hồi; các vi phạm về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, vi phạm về cấp tín dụng đang được khắc phục, xử lý; hệ thống quản trị và tổ chức bộ máy, mạng lưới đã được củng cố, chấn chỉnh.
Thực tế, đối với các trường hợp đã M&A, tình hình tài chính và quản trị, điều hành của các ngân hàng được cải thiện đáng kể: nhân sự quản trị, điều hành cấp cao được củng cố, các tổn thất về tài chính được bù đắp, hoạt động của ngân hàng sau M&A từng bước đi vào ổn định; quyền lợi và nghĩa vụ của người gửi tiền vẫn được đảm bảo.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn ở giai đoạn phát triển ban đầu và dự kiến có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới, nhờ triển vọng tốt và cơ hội phát triển thị trường dịch vụ ngân hàng còn rất lớn. Vì vậy, quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm và tính hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư uy tín trong và ngoài nước. M&A các TCTD sẽ góp phần sớm đạt được mục tiêu của Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” để đến cuối năm 2015 hình thành được ít nhất 1 đến 2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.