Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tài Trợ Tín Dụng

Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm thuộc các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ hai, 01/03/2021 16:00 GMT
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu” nằm trong mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển của Thành phố cho giai đoạn 2020 – 2030.
 

Nhằm phát huy vai trò chủ lực và thế mạnh của các ngành công nghiệp trọng yếu, tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành phát triển tương xứng với tiềm năng phát triển của Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố đã xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm thuộc 04 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố giai đoạn 2020 – 2030 và đã được Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố thống nhất thông qua, cụ thể gồm:

   • Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành công nghệ thông tin – điện tử - viễn thông giai đoạn 2020 – 2030;

   • Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí – tự động hóa giai đoạn 2020 - 2030;

   • Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cao su - nhựa giai đoạn 2020 - 2030;

   • Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến thực phẩm giai đoạn 2020 - 2030.

  

Ngành Công nghệ thông tin – điện tử - viễn thông có chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)
năm 2020  tăng 19,3% so với cùng kỳ, cao nhất trong 04 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: internet)

Nguồn: Sở Công Thương TP.HCM

 

Các chương trình hỗ trợ phát triển được xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của Thành phố về nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Chương trình ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng các loại vật liệu, công nghệ tiên tiến từ công nghiệp 4.0, chú trọng chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường, thúc đẩy nghiên cứu sản phẩm tái chế, tái sinh có giá trị gia tăng cao, bảo vệ môi trường. Đồng thời chương trình chú trọng xây dựng các giải pháp thực hiện cụ thể, bao gồm:

   1. Xác định sản phẩm/nhóm sản phẩm chủ lực của ngành cần tập trung phát triển, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm/nhóm sản phẩm chủ lực và chuỗi sản xuất của ngành dựa trên lợi thế cạnh tranh, định hướng phát triển công nghiệp của Thành phố.

   2. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực: tổ chức các chương trình đào tạo, phối hợp với các trường Đại học, trường đào tạo kỹ năng nghề tạo nguồn cung cấp nhân lực bậc cao phù hợp với nhu cầu thực tế của ngành.  

   3. Giải pháp xúc tiến thương mại, phát triển thị trường: tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nhằm cung cấp thông tin và quảng bá sản phẩm, hỗ trợ chi phí các doanh nghiệp tham gia khảo sát thị trường, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước 

   4. Giải pháp về kích cầu đầu tư: 

     - Triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ sản xuất cho ngành: triển khai các chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

     - Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn: Hỗ trợ cho vay, tham gia góp vốn hoặc trực tiếp đầu tư các dự án thược chương trình trọng tâm của Thành phố; Tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thực hiện hồ sơ dự án để tham gia các chương trình. 

   5. Giải pháp hỗ trợ về công nghệ: tư vấn trực tiếp doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, áp dụng công cụ năng suất phù hợp, công cụ quản trị tài sản trí tuệ

   6. Giải pháp về truyền thông: tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp công nghiệp thành phố, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để trao đổi thông tin, kết nối hợp tác kinh doanh, tổ chức quảng bá sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng.

   7. Giải pháp về mặt bằng sản xuất: ưu tiên bố trí quỹ đất trong Khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao cho các dự án sử dụng công nghệ cao, đảm bảo tiêu chí môi trường; quy hoạch phân khu chức năng theo chuyên ngành trong các khu công nghiệp mới; tổ chức kết nối giữa chủ đầu tư khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong ngành.

Bên cạnh đó, các Chương trình đẩy mạnh việc xây dựng các Đề án chiến lược phát triển ngành giai đoạn 2020 – 2030 phù hợp với tiềm năng, điều kiện và phát huy thế mạnh của từng ngành công nghiệp tương ứng, các đề án xây dựng Chuỗi sản xuất sản phẩm, thành lập các Trung tâm nghiên cứu, phát triển, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm…

  

Ứng dụng công nghệ 4.0 được chú trọng trong các Chương trình hỗ trợ phát triển
 doanh nghiệp và sản phẩm thuộc 04 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố . (Ảnh: internet)

 

Đồng thời để triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm thuộc 04 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố, ngày 22/05/2020 Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 1790/QĐ-UBND về việc Thành lập các Hội đồng phát triển ngành công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, với các thành viên gồm lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố và lãnh đạo các Sở ngành, các doanh nghiệp tiêu biểu thuộc các ngành công nghiệp tương ứng, bao gồm:

   • Hội đồng Phát triển ngành Công nghệ thông tin – Điện tử - Viễn thông Thành phố Hồ Chí Minh.

   • Hội đồng Phát triển ngành Cơ khí Thành phố Hồ Chí Minh.

   • Hội đồng Phát triển ngành Cao su – Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh.

   • Hội đồng Phát triển ngành Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh.

   

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức phát biểu tại phiên họp đầu tiên
của các Hội đồng phát triển các ngành công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 02/06/2020. (Ảnh: internet)

Hội đồng có các nhiệm vụ: 

   • Tham mưu UBND Thành phố xây dựng các chiến lược, chính sách, giải pháp phát triển đối với từng ngành công nghiệp tương ứng, đảm bảo đúng định hướng, đúng đối tượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố. 

   • Xét chọn doanh nghiệp, sản phẩm tiêu biểu của từng ngành. Tham mưu giải pháp, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu biểu của từng ngành để phát triển thành các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế mạnh.

   • Cung cấp thông tin, đánh giá về hoạt động sản xuất, kinh doanh, khó khăn, vướng mắc của 04 ngành công nghiệp nêu trên và để xuất giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho việc sản xuất, tiêu thụ của từng ngành

   • Góp ý, đề xuất các nội dung cần thay đổi, bổ sung đối với chính sách hiện hành của từng ngành cho phù hợp với thực tiễn để UBND Thành phố xem xét, điều chỉnh hoặc đề xuất, kiến nghị Trung ương xem xét.

Đỗ Hoàng Luân – Phòng KHNCPT

Các tin liên quan khác

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN