Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

Kết nối giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Thứ hai, 29/08/2016 09:55 GMT
Sáng 18-8, Hội nghị chuyên đề kết nối giao thông các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam đã diễn ra tại TPHCM. Tham dự hội nghị có lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố Vùng KTTĐ phía Nam, gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, kiêm Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐ phía Nam nhiệm kỳ 2015-2016 cho rằng Vùng KTTĐ phía Nam hội đủ các điều kiện lợi thế phát triển của các ngành đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, hiện quá trình phát triển kinh tế, liên kết vùng nói chung và quy hoạch phát triển kết nối hạ tầng giao thông vẫn còn yếu do nhiều nguyên nhân, trong đó có 2 nguyên nhân chủ yếu là: Chưa có sự phân công để xác định rõ vai trò trách nhiệm của từng địa phương trong việc kết nối hạ tầng giao thông; chưa có cơ chế chính sách cụ thể mang tính đặc thù đột phá trong việc kết nối hạ tầng giao thông giữa các địa phương trong vùng.
 
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các tỉnh thảo luận, trao đổi thống nhất những vấn đề về hoạt động liên kết phát triển giao thông vùng; những nội dung cần phối hợp triển khai thực hiện và các đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Trung ương cho công tác kết nối hạ tầng giao thông Vùng KTTĐ phía Nam trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Sự thành công của hội nghị là cơ sở để thúc đẩy các hoạt động liên kết giữa các địa phương trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
 
  
 Ảnh minh họa
Tiếp đó, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM Bùi Xuân Cường đã báo cáo công tác phối hợp phát triển GTVT Vùng KTTĐ phía Nam và công tác quản lý nhà nước ngành GTVT. Theo ông Bùi Xuân Cường, TPHCM đã dự kiến đầu tư hạ tầng giao thông các tuyến kết nối trong giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo trên địa bàn Thành phố. Để đồng bộ khai thác, tổ chức giao thông liên vùng, TPHCM kiến nghị Bộ GTVT và các tỉnh triển khai đầu tư các dự án kết nối TPHCM và các tỉnh theo nguyên tắc: Đối với các dự án do địa phương đầu tư, TPHCM đảm nhận phần xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng theo địa giới hành chính, tỉnh liên quan đảm nhận phần xây dựng và chi phí giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn tỉnh; các dự án kết nối bằng cầu vượt, cầu qua sông, TPHCM đảm nhận phần xây dựng chính, chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố, các tỉnh đảm nhận chi phí xây dựng các hạng mục kết nối và chi phí giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn tỉnh.
 
Đối với các dự án do Bộ GTVT đầu tư, Bộ đảm nhận chi phí xây dựng; các tỉnh, thành phố đảm nhận chi phí giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án có trong quy hoạch, kế hoạch đầu tư vùng, ông Cường đề nghị UBND các tỉnh, Thành phố quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích đối với quỹ đất xây dựng; bố trí quỹ đất để phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.

Kết thúc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhận xét, Vùng KTTĐ phía Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Vùng KTTĐ phía Nam chỉ thực sự phát triển có hiệu quả khi thực hiện được kết nối giao thông thật tốt để phát huy vai trò của cả vùng, thực sự để vùng trở thành động lực trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, Bí thư cho rằng, hiện nay kết nối giao thông các tỉnh trong Vùng KTTĐ phía Nam còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của vùng cũng như TPHCM.
 
Với tư cách là Chủ tịch hội đồng điều phối luân phiên của vùng, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị các địa phương rà soát các dự án giao thông trên địa bàn và xây dựng cơ chế để thu hút vốn đầu tư. Phải xác định liên kết giao thông vì lợi ích của vùng chứ không phải hai địa phương gần nhau. Làm sao để sau cuộc họp này, có được những dự án triển khai, ví dụ TPHCM triển khai ngay cao tốc Mộc Bài - Tây Ninh hoặc nối với Bình Dương mở rộng Quốc lộ 13, nối với Tiền Giang mở rộng Quốc lộ 50…
 
Bí thư Đinh La Thăng cũng cho rằng, cơ chế các tỉnh, thành phố làm chủ tịch luân phiên như hiện nay không hiệu quả vì TPHCM không thể điều phối Bình Dương, Đồng Nai và ngược lại. Với vai trò quan trọng của Vùng KTTT phía Nam, TPHCM và các tỉnh cần kiến nghị Trung ương để Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng phụ trách để nắm quyền điều phối cả vùng, ông Thăng đề nghị.
Nguồn: hochiminhcity.gov.vn 

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN