Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

Hài hòa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường

Thứ ba, 02/02/2016 19:15 GMT
Công nghiệp phụ trợ được xem là bệ đỡ của nền công nghiệp. Thế nhưng đa phần ngành công nghiệp phụ trợ lại là ngành nhạy cảm với môi trường. Nhiều tỉnh thành hiện đang hạn chế mời gọi đầu tư vào những ngành này. Nút thắt này đã làm hạn chế đáng kể khả năng phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ. Vậy làm thế nào để có thể kết hợp hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại đầu tư của Nhật Bản tại TPHCM (JETRO). ° Phóng viên: Bộ Công thương Việt Nam vừa ban hành nghị định ưu đãi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Thế nhưng, phần lớn ngành công nghiệp phụ trợ lại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vậy là nước có nền công nghiệp phụ trợ mạnh, Nhật Bản đã làm gì để hài hòa lợi ích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ với bảo vệ môi trường?
 
° Ông Yasuzumi Hirotaka: Ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp phụ trợ của Nhật Bản phát triển qua 4 giai đoạn. Cụ thể, thập niên 60 của thế kỷ trước, Chính phủ Nhật Bản tập trung thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nặng, hóa học, máy móc, kim loại, thép, kim loại màu với định hướng chính sách ngành là đầu tư tập trung vào ngành sắt thép, phát triển ngành công nghiệp xe hơi thành ngành xuất khẩu, xúc tiến hợp nhất các công ty lớn (xe hơi, sản xuất thép), công nghiệp hóa thúc đẩy xuất khẩu. Đến thập niên 70, thúc đẩy công nghiệp tập trung tri thức như máy tính điện tử, robot công nghiệp, mạch điện tử, máy hàng không, máy móc viễn thông, máy văn phòng, máy chế tạo điều khiển số, dịch vụ xử lý thông tin, phần mềm kết hợp giải pháp chống ô nhiễm môi trường, năng lượng. Từ thập niên 80 tập trung phát triển tri thức sáng tạo như: sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, computer thế hệ 5. Thoát khỏi hạn chế do thiếu tài nguyên (tiết kiệm năng lượng, năng lượng mới). Thúc đẩy xây dựng quốc gia kỹ thuật. Cuối cùng là từ thập niên 90 đến nay tập trung cống hiến cho cộng đồng quốc tế và thúc đẩy tự cải cách và duy trì biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường, tài nguyên, năng lượng, phát triển khoa học kỹ thuật; tăng hiệu quả, đa dạng hóa các ngành dịch vụ. Như vậy, xuyên suốt trong quá trình phát triển công nghiệp của Nhật Bản, ngành thép được xem là ngành quan trọng và cốt lõi. Tuy nhiên, ngành này cũng là ngành phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều nước, điện. Tuy nhiên, thay vì với cách làm hạn chế thu hút đầu tư hoặc cấm hoạt động thì Chính phủ Nhật Bản tăng cường hậu kiểm và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình.
 

 

 Kéo sợi tại khu công nghiệp Bình An. Ảnh: CAO MINH
 

° Để an toàn cho môi trường, nhiều tỉnh thành Việt Nam chọn giải pháp hạn chế cấp phép đầu tư cho những ngành công nghiệp phụ trợ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thì liệu có thể phát triển ngành công nghiệp nói chung tại Việt Nam?
 
° Với cách hạn chế đầu tư những ngành nhạy cảm cho môi trường (trong đó có rất nhiều ngành được xem là ngành công nghiệp phát triển phụ trợ), Việt Nam rất khó để có thể xây dựng chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp một cách hoàn chỉnh. Đơn cử với việc Việt Nam trở thành thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương-TPP, hai ngành dệt may và da giày được xem là chiếm nhiều lợi thế phát triển nhất. Thế nhưng, để có thể được hưởng lợi thế này, buộc ngành dệt may phải đảm bảo quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế ngành dệt may Việt Nam rất khó để đáp ứng được yêu cầu nguyên liệu xuất từ sợi. Bởi một thời gian dài, Việt Nam đã hạn chế, thậm chí không cấp phép đầu tư nhà máy dệt nhuộm vì đây là một trong 17 ngành nghề phát sinh ô nhiễm môi trường. Tương tự, với ngành da giày, nếu không cho phép thành lập phát triển nhà máy thuộc da vì sợ ô nhiễm môi trường thì ngành da giày khó có thể được hưởng lợi thế từ việc giảm hàng rào thuế quan. Hay với ngành cơ khí - đây là ngành rất quan trọng trong việc cung ứng sản phẩm phụ trợ cho những ngành có sản phẩm cuối có giá trị gia tăng cao nhưng làm sao có thể phát triển ngành này nếu thiếu nhà máy xi mạ… Quan trọng hơn, với cách hạn chế cắt khúc trong hoạt động phát triển ngành công nghiệp như thế này thì Việt Nam rất khó để có thể tạo thành ngành công nghiệp có hệ thống chuỗi liên kết chặt chẽ.
 
° Thế nhưng, có nhiều ý kiến cho rằng nếu cho phép phát triển những ngành này thì Việt Nam phải đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế. Như thế thì cái giá phải trả quá đắt? 
 
° Không phải cứ cho phát triển là sẽ gây ô nhiễm môi trường mà là phát triển theo định hướng và có kiểm soát về môi trường. Điều này có nghĩa là cần thiết phải quy hoạch phát triển công nghiệp theo vùng phù hợp với sức chịu tải của môi trường và có sự kiểm soát chặt chẽ đầu ra chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất. Đơn cử, với những ngành sử dụng và phát sinh nhiều nước thải nên ưu tiên vào những khu công nghiệp tập trung tại khu vực hạ nguồn nước. Các ngành phát sinh nhiều khí thải thì không được bố trí tại những khu công nghiệp đầu hướng gió… Các nhà máy sản xuất phải xử lý cục bộ chất thải trước khi thải vào hệ thống xử lý chất thải chung của toàn khu công nghiệp. Hệ thống xử lý chất thải tập trung đảm nhiệm khâu kiểm soát và xử lý thêm một bước nữa chất thải ô nhiễm trước khi thải ra môi trường.
 
° Các doanh nghiệp cho rằng nếu thực hiện chặt chẽ khâu xử lý chất thải thì nâng giá thành sản phẩm lên cao hơn sản phẩm những nước trong khu vực, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm?
 
° Đúng là nếu thực hiện nghiêm ngặt khâu bảo vệ môi trường thì giá thành sản xuất sản phẩm sẽ có chênh lệch cao hơn so với sản phẩm của những doanh nghiệp nói chung trong nước hay các nước trong khu vực mà không đảm bảo yếu tố môi trường. Thế nhưng, trên thực tế, chúng ta đã chứng kiến có rất nhiều nước bán môi trường để đổi lấy phát triển kinh tế nóng. Và hậu quả để lại cho sức khỏe, đời sống của người dân hết sức nặng nề và nghiêm trọng. Đây cũng là bài học xương máu mà Nhật Bản đã đi qua trong những năm của thập niên 60. Tôi nghĩ, có thể giá thành sản phẩm có tính thêm yếu tố bảo vệ môi trường là cao nhưng với những lợi thế có thể được hưởng từ hiệp định thương mại, sản phẩm Việt Nam hoàn toàn có thể vẫn đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường. Quan trọng hơn, việc phát triển kinh tế vẫn đảm bảo nhưng bên cạnh đó, chất lượng đời sống của người dân cũng ngày được nâng cao, tính bền vững cho phát triển cũng nhờ vậy ổn định hơn.
 
° Cảm ơn ông!
 
Nguồn: SGGPO và www.donre.hochiminhcity.gov.vn


KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN