Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin HFIC

Hoàn thiện mô hình Công ty Đầu tư tài chính nhà nước

Chủ nhật, 27/12/2015 17:22 GMT
“Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) đã khai thác hiệu quả từng đồng vốn “mồi”. Thông qua hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp dự án và công ty cổ phần, một đồng vốn đầu tư đối ứng của HFIC đã góp phần huy động được 29,7 đồng vốn đầu tư của xã hội”, đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động HFIC tổ chức ngày 25-12.
Hiệu quả từng đồng vốn “mồi”
 
Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TPHCM (HIFU) được thành lập ngày 10-9-1996 theo Quyết định số 644/TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm xây dựng một cơ chế huy động vốn hiệu quả đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng và một số lĩnh vực công nghiệp then chốt cho TPHCM. Đến ngày 2-2-2010, HIFU được chuyển đổi thành mô hình Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) theo Quyết định số 576/QĐ-UBND của UBND TPHCM, nhằm tiếp tục thực hiện chức năng huy động vốn, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và các lĩnh vực kinh tế thiết yếu. Bên cạnh đó, HFIC được thí điểm thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thuộc UBND TPHCM theo Công văn số 2103/TTg-ĐMDN ngày 4-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Đến nay, suốt quá trình hoạt động trong mô hình mới, để có nguồn lực tài chính mạnh đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, HFIC đã không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng công tác huy động vốn, khai thác hợp lý các nguồn: vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), vay trực tiếp một số ngân hàng nước ngoài khác để tài trợ cho các dự án quan trọng như BOT cầu Phú Mỹ... Kết quả, đã có thêm nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng phục vụ phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của thành phố.
 
Việc đầu tư vốn của HFIC hướng tới là nhà đầu tư mở đường, với cơ chế vốn đối ứng tiên phong đã góp phần huy động được nguồn lực tài chính từ các thành phần kinh tế khác. Thông qua hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp dự án và các công ty cổ phần, 1 đồng vốn đầu tư đối ứng của HFIC đã góp phần huy động được 29,7 đồng vốn đầu tư của xã hội. Đến thời điểm 30-11-2015, tổng giá trị danh mục đầu tư của HFIC là 1.905 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiếm 42,7% (813,1 tỷ đồng). Hiện nay, ngoài các phương thức đầu tư truyền thống, HFIC đang đẩy mạnh hợp tác với các nhà đầu tư có năng lực để triển khai các dự án hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó tập trung vốn vào các lĩnh vực chiến lược và các chương trình đột phá của thành phố như: Nhà máy điện rác Hitachi Zosen, Bệnh viện quận 5, Khu logistics Hiệp Phước, đường trục Bắc - Nam giai đoạn 3, dự án đầu tư xây dựng cảng Phú Định…
 

 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa (thứ 2 từ phải sang)
trao đổi với lãnh đạo Sở Tài chính và lãnh đạo HFIC
 
Chủ lực phục vụ phát triển hạ tầng
 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 có nhấn mạnh: “Phát huy tốt hơn vai trò của HFIC, tạo bước đột phá trong huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị”. Từ định hướng trên, theo ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc HFIC, nhiệm vụ trọng tâm của HFIC trong thời gian tới là hướng tới mục tiêu trở thành kênh huy động vốn chủ lực của TPHCM phục vụ phát triển hạ tầng đô thị của thành phố; đa dạng hóa về nguồn vốn, phương thức, thời gian huy động phù hợp với từng giai đoạn và từng dự án. HFIC cũng tiếp tục phát huy vai trò là nhà đầu tư chiến lược của thành phố, nhà đầu tư mở đường với cơ chế vốn đối ứng tiên phong nhằm huy động mọi nguồn lực tài chính để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng vào các lĩnh vực, chương trình trọng điểm của thành phố…
 
Theo TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, sau gần 5 năm phát triển vững mạnh, HFIC đã góp phần khẳng định sự thành công và sức lan tỏa của một quyết sách đúng và một mô hình doanh nghiệp kiểu mới.  Hiện nay mô hình hoạt động của HFIC có tính chất đặc thù hơn so với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác. Cụ thể, HFIC có 3 chức năng chính là hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương, chức năng hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước, thí điểm chức năng đại diện vốn sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay khung pháp lý hiện tại chưa đề cập đầy đủ đến mô hình hoạt động đặc thù này của HIFC. Vì vậy, theo TS Trần Du Lịch, HFIC cần sớm đề xuất để thành phố xem xét và kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế tài chính đặc thù cho HFIC để HFIC có cơ sở thực hiện toàn diện và chủ động 3 chức năng nói trên, đồng thời trình Chính phủ ủy quyền cho thành phố bổ sung vốn điều lệ cho HFIC để HFIC có đủ năng lực thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng và các nhiệm vụ công ích cho thành phố… “Cần tiếp tục đề xuất để hoàn thiện và nâng tầm của HFIC như một định chế tài chính đặc thù cho TPHCM. Đặc thù bởi tôn chỉ hoạt động chính của nó là huy động vào mục tiêu phát triển hạ tầng của thành phố chứ không có mục tiêu gì khác càng không phải kiếm tiền để bổ sung cho ngân sách thành phố. Tôi tin là chúng ta sẽ làm được vì có nhiều cái từ thí điểm của thành phố đã trở thành kinh nghiệm cho cả nước thời gian qua”- TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
 
Ghi nhận các kiến nghị của HFIC, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho rằng, năm 2016 sẽ là năm rất “căng kéo” về tài chính, rất cần huy động các nguồn lực bên ngoài góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. UBND TPHCM sẽ làm việc lại và sớm có những kiến nghị cụ thể với Trung ương để tạo điều kiện, tháo gỡ cho HFIC phát triển vì đó cũng chính là tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội thành phố phát triển.
 
Nguồn: SGGPO


KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN