Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

Phát triển các trung tâm dịch vụ logistics lớn tại vùng KTTĐ phía Nam

Thứ ba, 17/11/2015 14:24 GMT
Đẩy mạnh vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; xây dựng và phát triển các trung tâm dịch vụ logistics lớn tại các khu vực đầu mối như Cát Lái (TPHCM), Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và các trung tâm khác trong Vùng theo quy hoạch của địa phương.
Đây là nội dung tại Quyết định điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Cũng về kết nối vận tải của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng cường tính kết nối vùng và kết nối giữa các phương thức vận tải, hình thành các đầu mối kết nối vận tải tại các cảng biển Vũng Tàu (khu Cái Mép - Thị Vải), cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, cảng biển Đồng Nai, các cảng cạn; trung tâm dịch vụ logistics; Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các ga đường sắt Bình Triệu, Tân Kiên, Thủ Thiêm, An Bình, Trảng Bom, ga Long Định; các bến xe khách liên tỉnh như bến xe Miền Tây mới, Ngã Tư Ga, Miền Đông 1 mới, Miền Đông 2 mới, Đa Phước, xuyên Á, Miền Đông và các bến xe liên tỉnh tại các tỉnh trong Vùng; các cảng đường thủy nội địa chính trong khu vực.
 
Khai thác hiệu quả tuyến sông pha biển từ cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh với các cảng biển Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang theo tuyến ven biển.
 
  
 Ảnh minh họa
Nâng cấp đồng bộ, hiện đại hóa các cảng hàng không hiện có
Về quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó, với hàng không, tập trung nâng cấp đồng bộ, hiện đại hóa các cảng hàng không hiện có, điều chỉnh quy hoạch khu hàng không dân dụng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa trong từng thời kỳ. Khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nghiên cứu xây dựng Cảng hàng không Vũng Tàu tại thị trấn Gò Găng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
 
Cụ thể, đến năm 2020, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có vai trò trung tâm (cả quốc tế và quốc nội) của khu vực phía Nam; là cảng hàng không dùng chung dân dụng và quân sự. Quy mô đạt cấp sân bay 4E theo phân cấp ICAO, đáp ứng khai thác B747 và tương đương, khu bay Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đã được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch, trong thời gian tới sẽ mở rộng nhà ga hành khách quốc tế, nội địa đáp ứng công suất 25 - 26 triệu hành khách/năm và 1 triệu tấn hàng hóa/năm.
 
Cảng hàng không Vũng Tàu là cảng hàng không nội địa phục vụ cho hoạt động bay trực thăng, bay taxi nội vùng. Quy mô cảng đạt cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO và sân bay quân sự cấp II. Công suất cảng 100.000 hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm, chủ yếu khai thác loại máy bay trực thăng, máy bay cánh bằng loại nhỏ phục vụ chuyến bay ngắn (Côn Đảo, các giàn khoan…) với mục đích khai thác du lịch, dầu khí; do Bộ Quốc phòng quản lý và khai thác. 
 
Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cảng hàng không lớn nhất cả nước và là một trong những trung tâm trung chuyển hành khách quốc tế của khu vực theo tiêu chuẩn quốc tế. Quy mô giai đoạn 1 xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp sân bay 4F theo phân cấp ICAO, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, đáp ứng khai thác loại tàu bay A380 và tương đương.
Nguồn: chinhphu.vn 

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN