Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

Tìm giải pháp để tái cơ cấu kinh tế gắn liền với tăng trưởng xanh

Thứ hai, 27/10/2014 15:05 GMT
Nếu tăng trưởng kinh tế không gắn với tăng trưởng xanh thì cái giá phải trả trong tương lai rất lớn. Do đó, cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế, gắn với huy động các nguồn lực đa dạng.
Đây là ý kiến được nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 với tiêu đề tăng trưởng xanh và tái cơ cấu kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 24/10.
 
Nhiều thách thức phải đối mặt
 
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Nếu tăng trưởng kinh tế không gắn với tăng trưởng xanh thì cái giá phải trả trong tương lai rất lớn. Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế lại càng phải tính đến tăng trưởng xanh, nếu không tính đến tăng trưởng xanh thì tái cơ cấu chỉ là tạm thời rồi 5-10 năm nữa chúng ta lại phải xem xét lại. Do đó, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng rất cần thiết phải có những trao đổi thảo luận về các chính sách, các vấn đề về tầm nhìn quốc gia, tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển vốn xã hội và các giá trị xã hội, kinh tế năng lượng, kinh tế rừng, kinh tế tài nguyên, kinh tế biển, kinh tế môi trường, tiến tới việc tìm kiếm giải pháp để đạt được sự phát triển bền vững vì mục tiêu phục vụ con người.
 
Nhấn mạnh về những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt, TS Trần Đình Thiên cho rằng, dù đã có nhiều nỗ lực kỳ vọng mang đến sự đột phá nhưng thành công từ các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, kinh tế trọng điểm… vẫn chưa thành công vì vẫn không thoát khỏi tư duy “dàn trải” tại các địa phương. Hiện nay chúng ta mới tạo ra cơ chế ưu đãi khi bớt một vài phần trăm về thuế, phí dịch vụ, điều này chỉ có các doanh nghiệp FDI nhỏ, làm ăn không có chiến lược lâu dài đầu tư cho tăng trưởng xanh. Còn với các nhà đầu tư lớn chiến lược, có năng lực trong việc tăng trưởng xanh, điều này không quá quan trọng bằng việc tạo các điều kiện về thể chế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Hay nói cách khác TS Thiên ví von: “Muốn đẻ được chim phượng hoàng thì phải làm tổ tương xứng cho phượng hoàng chứ không phải làm tổ cho gà”.
 
TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá những thách thức mà Việt Nam còn phải đối mặt để thực hiện tăng trưởng xanh là việc nhận thức của xã hội về tăng trưởng xanh chưa cao, vẫn còn chú trọng nhiều vào lợi ích trước mắt, thiếu các ưu tiên cho phát triển dài hạn; chưa xác định được những chính sách cân bằng giữa các định hướng và mục tiêu phát triển. Khu vực có vốn nước ngoài tuy đóng góp cao vào tăng trưởng, đầu tư và xuất khẩu, nhưng ít tương tác với khu vực doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ không đáng kể, chưa được thực sự tận dụng cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Thị trường năng lượng nước ta vận hành chưa hiệu quả, nên chưa tạo động lực thay đổi công nghệ của một số ngành có tiêu thụ năng lượng lớn.
 

 

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014. Ảnh VGP/Huy Thắng

 
Đa dạng nguồn lực cải cách thể chế
 
TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng xanh, tuy nhiên việc triển khai các chiến lược, kế hoạch trên thực tế vẫn còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh tuy có cơ hội nhưng còn nhiều thách thức. Đây là một quá trình lâu dài, các cấp, các ngành, doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ về bản chất của tăng trưởng xanh, qua đó thay đổi cách thức sản xuất, tiêu dùng tài nguyên theo hướng hiệu quả, tiết kiệm, giảm thải chất ô nhiễm và phát thải khí nhà kính.
 
Để đảm bảo tăng trưởng xanh cần đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, chú trọng chuyển đổi cơ cấu nội ngành theo hướng ưu tiên những ngành ít phát thải, và đặc biệt là chú trọng vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức, tăng cường phối hợp giữa các bộ/ngành liên quan nhằm có những chính sách tạo động lực, dung hòa 5 nhóm mục tiêu đã được đặt ra để đạt được mục tiêu cuối cùng là tăng trưởng xanh. 
 
Xác định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Chính phủ đã có những động thái quyết liệt, trong đó dấu mốc quan trọng là vào tháng 3/2014 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Các giải pháp đã được nêu ra bao gồm: Nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, thay đổi cơ cấu kinh tế ngành, địa phương, doanh nghiệp và đổi mới công nghệ…
 
Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh quốc gia gồm 12 nhóm hành động theo 4 nhóm chủ đề: Xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch tăng trưởng xanh ở địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính; thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất, xanh hoá lối sống, tiêu dùng bền vững. 

Tuy nhiên, thực hiện tăng trưởng xanh còn phải đối mặt với một số khó khăn không dễ vượt qua, đặc biệt là về nguồn lực tài chính.

Đề cập vấn đề kinh phí, TS Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nguồn vốn dành cho kế hoạch tăng trưởng dự kiến lên đến hàng chục tỷ USD, trong đó 70% huy động từ nguồn vốn tư nhân, 30% đến từ nguồn vốn Nhà nước. Tuy nhiên, huy động được nguồn vốn tư nhân là điều không dễ dàng và đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp. Để làm được điều này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết: Chính phủ đã có những giải pháp tích cực để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Cụ thể, để thúc đẩy doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, đã có hàng loạt chính sách yêu cầu doanh nghiệp hướng tới tới việc xóa bỏ công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng. Các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vào lĩnh vực ưu tiên như tiết kiệm năng lượng, môi trường sẽ được hưởng chính sách ưu đãi cụ thể. Các chính sách này được kỳ vọng sẽ khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư cho công nghệ gắn với tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh.
 
Coi trọng hơn đến việc cải cách thể chế, TS Trần Đình Thiên liên tưởng đến việc cắt giảm thủ tục hành chính thuế mà doanh nghiệp than phiền thời gian trước đó mà không có nhiều tiến triển trong cải cách. Chỉ sau khi chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nhanh chóng cắt giảm số giờ làm thủ tục. Riêng việc ban hành Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi, bổ sung 7 Thông tư về thuế cho phép giảm 201,5 giờ/năm. “Điều này là gợi ý rất lớn cho những cải cách ở các lĩnh vực khác nhau, để tạo ra đột phá trong các đột phá phải là hệ thống “trách nhiệm cá nhân”  trong các lĩnh vực mới xoay chuyển được tình hình. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị: Sản xuất công nghiệp trên toàn cầu đang có các chuỗi lớn khác nhau. Việt Nam phải tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, được “lựa chọn” ở những khâu có giá trị gia tăng cao.
 
Nguồn: www.baodientuchinhphu.vn


KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN