Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

Chủ tịch ADB đánh giá cao sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô ở Việt Nam

Thứ hai, 22/09/2014 15:27 GMT
Chiều 19/9, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam tổ chức họp báo nhân chuyến thăm Việt Nam và dự Diễn đàn Phát triển châu Á lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao.
Phát biểu tại họp báo, ông Takehiko Nakao - Chủ tịch ADB đánh giá cao sự ổn định chính trị và ổn định về kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Để củng cố những thành tựu đã đạt được, khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tăng trưởng đồng đều, những cải cách cơ cấu, chủ yếu trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước, lĩnh vực ngân hàng và đầu tư công cần được tiếp tục đẩy mạnh. Nhấn mạnh đã từng là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, Chủ tịch ADB hy vọng Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm 2014 đồng thời khuyến khích đạt mục tiêu trở lại mức tăng trưởng 7-8% trong những năm tiếp theo.
 

 

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao. Ảnh: VGP/Huy Thắng.
 


Chỉ ra khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam và tránh bẫy thu nhập trung bình, ông Takehiko Nakao cho rằng: Việt Nam cần thu được tối đa những lợi ích từ hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua thương mại và đầu tư được tăng cường từ việc hội nhập sâu hơn vào Cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định tự do thương mại. Chính phủ nên thực hiện một cách có hiệu quả những luật lệ và quy định trong kinh doanh để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn.
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến hỗ trợ cho Việt Nam, ông Takehiko Nakao cho biết: Ngân hàng Phát triển châu Á tiếp tục hỗ trợ cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và sẽ tiếp tục cho Việt Nam vay 1,3 tỉ USD/năm. Nguồn vốn vay tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng đường bộ, ngành điện, khu vực công và quản lý tài nguyên nước, giáo dục... Đối với những lĩnh vực phát triển con người khác, có thể không thông qua các dự án cho vay mà thông qua các khoản viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật. Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ tập trung nhiều hơn vào khu vực chậm phát triển như lĩnh vực bình đẳng giới, năng lượng tái tạo và vùng khó khăn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo dạy nghề.
 
Liên quan đến biện pháp giúp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng vai trò chính để gia tăng giá trị sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam. Vì vậy để Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc cải cách khu vực tài chính là quan trọng bởi khu vực tài chính có thủ tục thông thoáng sẽ giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn tín dụng.
 
Đề cập đến giải pháp nâng cao năng suất lao động ở Việt Nam , ông Takehiko Nakao nhấn mạnh: Dự báo, việc hội nhập kinh tế khu vực ASEAN làm tăng nhu cầu công nhân có tay nghề bậc trung. Nếu Việt Nam chỉ có tay nghề lao động thấp thì năng suất lao động sẽ thấp cho nên việc đào tạo nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng để Việt Nam tận dụng được lợi thế của việc hội nhập kinh tế khu vực. Đến nay, Ngân hàng Phát triển châu Á đã tập trung hỗ trợ Chính phủ Việt Nam về đào tạo để khai thác tốt lợi thế của việc hội nhập kinh tế ASEAN. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên trang bị thêm về kỹ năng, tay nghề cho người lao động phù hợp với nhu cầu của mình./.

Nguồn: www.dangcongsan.vn


KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN