Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

TP. Hồ Chí Minh: Kinh tế-xã hội khởi sắc ngay trong những tháng đầu năm

Thứ hai, 10/03/2014 21:08 GMT
Hai tháng của năm 2014 đã đi qua, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả khả quan, một số chỉ tiêu quan trọng đều tăng hơn cùng kỳ năm trước, cho thấy tín hiệu khá lạc quan của nền kinh tế Thành phố trong năm mới.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, do tháng 1 rơi vào tháng Tết nên sức mua tăng khá với tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt gần 60.000 tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và hơn 18% so với cùng kỳ. Lượng du khách quốc tế đến Thành phố tăng, doanh thu ngành vận tải tăng hơn 25%, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng , trong đó ngành cơ khí chế tạo tăng đến 25%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ, chỉ tăng 0,40% so với tháng trước. Đây là chỉ số thấp nhất của tháng Tết trong vòng 5 năm qua, thể hiện sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
 
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hai tháng đầu năm 2014, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường tiếp tục được mở rộng, đảm bảo cân đối cung cầu, dấu hiệu cho thấy, tình hình kinh tế đang có nhiều khởi sắc.
 
Lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài của thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay đều có chuyển biến tốt. Về đầu tư trong nước, trong hai tháng đầu năm đã có hơn 2.741 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn trên 14.300 tỉ đồng, tăng 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Cũng trong hai tháng, có gần 5.000 doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh và bổ sung vốn.
 

 

Hệ thống kênh rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
được cải tạo khang trang, giảm thiểu ô nhiễm (Ảnh: K.V)

Số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể là 326, bằng 13% số doanh nghiệp thành lập mới. Về đầu tư nước ngoài, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thu hút được 46 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 164 triệu USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ về số dự án và tăng 267,2% về vốn. Ngoài ra, có 14 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng đầu tư trên 52 triệu USD.
 
Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh thì, hầu hết các chỉ tiêu thu ngân sách tại thành phố Hồ Chí Minh đến nay đều tăng cao so với cùng kỳ. Đặc biệt thu từ các khu vực kinh tế tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, chứng tỏ tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã cải thiện và phục hồi mạnh.
 
Được biết, năm 2014 là năm có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX. Những nhiệm vụ Thành phố đề ra năm 2014 cụ thể là phấn đấu thực hiện đạt 28 chỉ tiêu, trong đó có 4 chỉ tiêu kinh tế, 12 chỉ tiêu xã hội, và 12 chỉ tiêu môi trường.
 
Thành phố cũng phấn đấu GDP dự kiến tăng từ 9,5% đến 10%, cao hơn 1,5 lần của cả nước, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến chiếm khoảng 31% GDP, trong đó chú ý phát triển nhanh các ngành công nghiệp hỗ trợ. Phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao, tăng dần tỷ trọng giá trị đóng góp của công nghiệp công nghệ cao trong GDP. Đồng thời tiếp tục xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị bền vững gắn với đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển đột phá của thành phố. Ngoài ra, tích cực đẩy mạnh triển khai các phần việc trong thẩm quyền của mình, thực hiện việc liên kết với các vùng, miền kinh tế.
 
Thành phố cũng xác định,  để chuyển đổi thành công, Thành phố không thể tự làm một mình mà phải gắn kết với các vùng, miền kinh tế trong khu vực. Mặt khác, quá trình thực hiện tùy thuộc rất lớn vào các chính sách vĩ mô mà cụ thể là các công cụ điều tiết cho quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Cụ thể là hỗ trợ tốt nhất để các doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

Trước hết, thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt chương trình kích cầu đầu tư nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn Thành phố. Công việc này tiếp tục được tổ chức công khai và rộng rãi đến các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện, hoàn tất hồ sơ trình UBND Thành phố phê duyệt. Với những doanh nghiệp không đủ điều kiện, thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn vay. Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, cho vay nhà ở xã hội, bình ổn thị trường.v.v…đã và đang được triển khai rất tốt và mang lại hiệu quả thiết thực.
 
Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp thông qua việc đầu tư chi phí để phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức tiếp thị quốc tế…
 
Cùng với đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, mở rộng xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Á và thị trường Hoa Kỳ, đồng thời chú trọng khai thác các thị trường tiềm năng như châu Phi, châu Đại Dương để sử dụng hết các nguồn lực xuất khẩu đa dạng. Qua việc hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp, nếu biết nắm bắt tốt cơ hội, chắc chắn doanh nghiệp sẽ phát triển. 
 
Để kinh tế thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh và bền vững, mặt khác cũng cần phải có một đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu và những sản phẩm cạnh tranh. Do vậy, mọi hoạt động của Thành phố đều phải hướng vào các doanh nghiệp; phải hỗ trợ và tạo cơ chế, chính sách theo hướng có lợi nhất để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, khơi gợi mọi nguồn lực phát triển theo hướng bền vững./…

Nguồn: www.dangcongsan.vn

 


KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN