Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

Đẩy nhanh đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng

Thứ ba, 04/03/2014 15:03 GMT
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ trái phiếu, vốn ngân sách, ODA, quan tâm hỗ trợ DN FDI thực hiện dự án, khơi thông luồng vốn tín dụng cho DN… nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Trong 2 tháng đầu năm, đối với tăng trưởng kinh tế, điều đáng lưu ý là vốn đầu tư - yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế, lại chưa được đẩy mạnh.
 
Trong các nội dung của tổng cầu, vốn đầu tư là yếu tố quan trọng. Vốn đầu tư có từ nhiều nguồn. Với kỳ hạn 2 tháng, mới chỉ có thông tin của 2 nguồn: Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lượng vốn của 2 nguồn này trong 2 tháng đầu năm chỉ có FDI là tăng, còn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt thấp so với kế hoạch cả năm.
 
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước sau 2 tháng mới đạt 11,6% kế hoạch cả năm. Tỷ lệ thực hiện như vậy là chậm, điều này có thể là do ảnh hưởng của nếp cũ từ thời bao cấp “đầu năm còn đủng đỉnh” và chưa thấy được sự cần thiết phải đẩy nhanh thực hiện, bởi trong tổng lượng vốn ngân sách này có một phần quan trọng được huy động bằng phát hành trái phiếu Chính phủ (tức là tiền vay, là nợ công, phải trả lãi từ ngày vay).

 
Tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm thấp diễn ra ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương. Ở cấp Trung ương, tỷ lệ thực hiện còn thấp: Bộ NNPTNT (9,3%), Bộ Xây dựng (8,3%), Bộ Y tế (9,8%), Bộ Tài nguyên và Môi trường (9,9%). Ở cấp địa phương, có một số nơi tỷ lệ rất thấp, như TPHCM (mới đạt 5,5%), Bình Dương (7%)… So với cùng kỳ năm 2013, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện cũng bị giảm (giảm 1,2%, tính theo giá thực tế; cấp Trung ương quản lý bị giảm 0,9%).

Cùng với việc giảm vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước là sự sụt giảm của tăng trưởng tín dụng, làm cho lượng vốn ra lưu thông bị giảm. Tăng trưởng tín dụng năm 2013 dồn vào cuối năm (chỉ riêng tháng 12 đã chiếm trên 1/4 tốc độ tăng của cả năm), nhưng có một phần quan trọng được quay trở lại dưới hình thức huy động tiết kiệm; một phần được các nhà đầu cơ đưa vào chứng khoán (với giá trị giao dịch tăng mạnh); vào thị trường vàng làm cho giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới trên dưới 3 triệu đồng/lượng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thông qua đấu thầu vàng cung ứng ra thị trường lên đến gần 180 tấn vàng.

Chính phủ có chủ trương ưu tiên về lượng vốn, lãi suất, thời hạn cho 5 lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Vì vậy một mặt cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, mặt khác quan trọng hơn là cần phải hướng dòng vốn vào các lĩnh vực này để tăng tiêu thụ sản phẩm khi tốc độ tăng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo thấp hơn tốc độ tăng của sản xuất (3,4% so với 7,8%) và giảm tồn kho, nhất là tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn khi cung ứng tín dụng cho doanh nghiệp đã tìm mua trái phiếu Chính phủ (mặc dù lãi suất không cao hơn bao nhiêu so với lãi suất huy động), thông qua đó để đầu tư gián tiếp. Tuy nhiên, về cơ bản và lâu dài, cần phải chuyển hướng đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp bằng việc giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu, cùng doanh nghiệp có phương án sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 2 tháng đầu năm giảm mạnh về lượng vốn đăng ký, chủ yếu do việc triển khai chậm vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Tổng lượng vốn đăng ký mới đạt xấp xỉ 1,54 tỷ USD, giảm 62,5% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó lượng vốn đăng ký của các dự án mới chỉ đạt khoảng 840 triệu USD, giảm 19,3%; lượng vốn đăng ký bổ sung được gần 709 triệu USD.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là lượng vốn thực hiện ước 2 tháng đạt 1,12 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn đăng ký ngoài việc tập trung cho công nghiệp chế biến (chiếm 76,5%), đã vào ngành kinh doanh bất động sản (chiếm 18,1%), tạo thêm nguồn lực để góp phần giải quyết điểm “nghẽn” này.

Trong 18 địa phương, ngoài các địa bàn trọng điểm lâu nay, như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, nay một số địa phương mới như Bắc Giang, Thái Nguyên đã có các dự án FDI. Trong 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, tiếp tục đứng đầu là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…, là những đối tác đã có nhiều năm đầu tư, nhiều năm làm ăn tại Việt Nam và đã có lòng tin vào thị trường Việt Nam.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01 của Chính phủ. Trong đó, quan tâm việc giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ trái phiếu, vốn ngân sách, ODA; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp FDI triển khai thực hiện dự án; có biện pháp phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, khơi thông luồng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo đà cho phục hồi tăng trưởng.
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn 

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN